Ngày Đăng: 03 Tháng 03 Năm 2009 Trước khi gặp Chí Trung tôi đã gắng đọc hết mớ thông tin ngồn ngộn về anh. Còn để quyết định gặp tôi hay không, Chí Trung thể hiện sự cẩn thận vô cùng bằng cách đọc tất cả các bài báo tôi viết về các nghệ sĩ hài.
Một góc khác của nghệ sĩ hài
Đúng ba giờ chiều, Chí Trung xuất hiện ở sân khu tập thể Nhà hát kịch Trung ương. Áo sơ-mi kẻ cắm thùng quần u lịch sự, tóc chải gọn gàng, tác phong nhanh nhẹn. Trên tay cầm... chiếc chổi lau sàn nhà. Nhìn Chí Trung cầm chổi sẽ có cảm giác ngạc nhiên tột độ không khác gì trông thấy Vân Dung đọc báo.
Chí Trung giải đáp thắc mắc trong đầu tôi: sao không cho luôn số nhà để tìm cho tiện, đỡ nhọc công anh đội mưa ra đón... bằng cách đưa tôi đi lòng vòng trên một lối đi hẹp, hai bên nhà cửa san sát, ánh sáng không lọt được vào nên phải bật đèn điện vàng, lắt léo như “mê cung” (nhận xét của tôi) và “tưởng ở dưới hầm than Quảng Ninh” (như cách ví von của anh).
Đến trước một cánh cửa sắt nhỏ có vết hoen gỉ, anh mở khóa, vào nhà nhanh đến nỗi tôi chưa định hình được mình đã đến nơi. Trên cầu thang lên tầng hai, Chí Trung bảo: “Cả trưa nay ngồi nghĩ mãi, mình quyết định mời bạn đến nhà bởi muốn bạn thấy một góc khác của nghệ sĩ hài, không phải cứ là nghệ sĩ biểu diễn như bọn mình thì phải là nhà đẹp, xe hơi, vung vinh giàu có”.
Nhà của gia đình vợ chồng Chí Trung - Ngọc Huyền khá nhỏ, diện tích chừng 30m2. Mặc dù xây nhiều tầng để tăng diện tích sử dụng, nhưng lại không được gọn gàng vì đồ đạc vừa to vừa cồng kềnh. Cả tầng một, cái bàn ăn quá khổ chiếm hết chỗ. Cả tầng hai chứa bộ bàn ghế đóng theo kiểu cổ kềnh càng, thêm chiếc tủ góc là vừa đủ. Đồ gỗ trong nhà (tôi được thấy) đều phủ màu sơn cũ. Qua đó, có thể thấy ngay một điều, vợ chồng anh chẳng ham tân trang, sắm mới, mà sẵn gì dùng nấy, giản dị, không màu mè.
Ngôi nhà này trước đây là của mẹ Chí Trung. Căn hộ ban đầu chỉ vỏn vẹn 7m2, anh mua thêm hai nhà bên cạnh mới có được diện tích như bây giờ.
“Thực ra, mình ít mời ai đến nhà. Nhà bé như thế này, đồ đạc lại sơ sài. Ngày trước người ta quay trang trại của gia đình tại Hòa Bình, ai cũng nghĩ mình giàu có lắm. Thực ra mảnh đất ấy mua từ năm 2001, giá khi ấy còn rẻ. Nhà, bếp, giếng của chủ nhà cũ để lại, mình có sửa sang thêm gì đâu. Mua đất chả phải để tích trữ, hay thừa tiền mà do thèm nơi rộng rãi để ở nhưng chẳng có khả năng mua thêm đất ở Hà Nội, đành lên tận Hòa Bình. Nếu một ngày mình kêu lên rằng: không, những cái các bạn nhìn thấy chỉ là vỏ bên ngoài thôi, vợ chồng tôi kinh tế còn khó khăn, lương hai vợ chồng ba cọc ba đồng, lại lo cho bố mẹ hai bên đều đau ốm, lo cho con sắp tới du học, lấy đâu ra của nả mà giàu... thì khéo người ta chạy luôn vì nghĩ mình than thở để vay tiền”.
“Chỉ có duyên khi đèn sân khấu bật”
Chí Trung nói, anh luôn mang cảm giác tự ti trong mình. Tôi rất muốn lý giải điều này ở anh, nhưng không dễ. Phải chăng do anh ngay từ bốn, năm tuổi đã phải xa cha mẹ, theo bà đi ở chùa. Cả tuổi thơ gắn bó với cảnh chùa. Mỗi khi có bom đạn rơi lại run rẩy chui xuống dưới tượng Phật? Hay do anh luôn kém cỏi trong học hành, môn văn, sử, địa thì tàm tạm, “căm thù hình học” và “dốt đều” hóa, lý. Học hết lớp 10, biết trước cánh cổng đại học xa vời vợi, không thể đủ sức bước tới chứ đừng nói là bước vào? Hoặc là khi thoát ra khỏi công việc, thấy ngay mình lẻ loi quá chừng, bởi chẳng biết (hay chẳng muốn) tạo tình thân ái, giao lưu với người xung quanh bằng lời lẽ ngọt ngào, tay bắt mặt mừng?
Anh nói, anh không thể làm như thế, nhất là trong chương trình “Gặp nhau cuối năm”, bạn diễn ba miền về tụ hội, nhưng anh lại chọn cho mình một góc vắng, ngồi một mình, chỉ bởi chẳng thể làm điều mà bản thân thấy không thật. Cũng có thể do anh không có duyên trong trò chuyện ngoài đời thường, “chỉ có duyên khi đèn sân khấu bật”. Thêm lý do nữa là bởi Chí Trung không có một người bạn nào. Bạn học cũ đến thăm một lần, không thấy anh qua nhà thăm lại, từ đó cũng thôi liên lạc. Thành ra, Chí Trung thực sự thấy bản thân hừng hực sống, phát huy mọi năng lượng khi được ngập sâu vào công việc. Hoàn tất mọi thứ, sẽ chui tọt vào nơi trốn: mái ấm gia đình, trèo lên gác, chìm trong mớ phim hành động Mỹ.
Nói chuyện với Chí Trung, ban đầu, sẽ nhầm tưởng anh là người nhất quán, giản đơn trong mọi suy nghĩ, hành động, nhưng không, anh là người phức tạp, hay mâu thuẫn với chính mình. Để tránh những câu hỏi “động chạm”, anh dẫn tôi đi lòng vòng hết xa lộ nghệ thuật này đến con đường ước mơ kia. Khi tôi kéo anh về với thực tế là cần trả lời câu hỏi trước mắt, anh lựa chọn nước đôi. Ban đầu nói những lời chân tình, cái thật có thể thấy ngay từ bản chất, ngay sau, như sợ người đối diện rờ được “gót chân A-sin”, sẽ là vài câu hài hước lấp vào.
Quan điểm diễn hài của Chí Trung, ngược với tính cách mơ hồ của anh, lại rất rõ ràng: quan tâm nhiều đến tiếng cười của tầng lớp trí thức. Anh không bạ đâu cũng chọc cười. Tiếng cười anh mang lại phải “từ ngực trở lên”. Sau tiếng cười, cần có những nghĩ suy và đọng lại một niềm đau nho nhỏ.
Sources: thanhnien |