Ngày Đăng: 08 Tháng 07 Năm 2014 Mặc dù cải lương không phải là nghề kiếm sống của nghệ sĩ Hà Liên. Nhưng với chị, cải lương là duy nhất. Chị làm tất cả là vì cải lương. Để làm vì niềm đam mê này, chị đã mưu sinh bằng nhiều nghề.
Nghệ sĩ Hà Mỹ Liên: Không bao giờ phụ nghề
Sống trên đất Pháp gần 40 năm nay, cải lương tuyệt đối không phải là cái nghề kiếm sống của Hà Mỹ Liên. Thế nhưng chị vẫn không bỏ nghề, vẫn âm thầm làm nhiều công việc khác để chờ này và đếm từng suất diễn cải lương trên sân khấu.
Để tìm kiếm cuộc mưu sinh, chị đã phải làm nhiều việc khác, từ kinh doanh nhà hàng, làm MC, đóng hài kịch, ca tân nhạc… Thế nhưng, khi nói về mình, Hà Mỹ Liên bao giờ cũng cho rằng chị là nghệ sĩ cải lương. Gần đây chị và em gái là Hà Mỹ Xuân đứng ra tổ chức chương trình Đờn ca tài tử Nam Bộ tại nhà hàng Minh Hòa, qui tụ nhiều nghệ sĩ, nhạc công đến Paris tham gia chơi tài tử.
Nhiều trích đoạn cải lương như: Tấm lòng của biển, Nửa đời hương phấn, Quan Âm Thị Kính… đã được hai chị em dàn dựng, cùng với Lý Kim Thành, Lê Hồng Phước, Dũng Thanh Phước, bé Ngọc Minh… biểu diễn. Đặc biệt, trong trích đoạn Quan Âm Thị Kính, Hà Mỹ Liên thủ hai vai: Mẹ chồng nàng Thị Kính và vai Thị Mầu. Trích đoạn tuy không dài, nhưng có khá nhiều tình tiết cùng với lời văn rất khó nhớ, đòi hỏi người nghệ sĩ phải bỏ nhiều công sức để học tuồng. Ở cái tuổi trên 60, Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân dĩ nhiên không dễ dàng gì để có thể học thuộc một kiểu tuồng như vậy. Thế nhưng, hai chị em đã không ngại tuổi tác và cố gắng đến mức đáng nể trong việc học tuồng.
Nhận xét về nghệ thuật ca diễn, của NS Hà Mỹ Liên, NSND Lệ Thủy nhận xét chị có một bộ nhịp thuộc hàng thượng thặng. Một điểm đáng chú ý là có những bài bản lâu quá rồi chị không có dịp ca, thế mà khi tập tuồng, nhạc sĩ chỉ cần dạo đờn qua lập tức chị bắt vô ca rất ngọt. Điều đó cho thấy các bài bản cải lương hoặc là đã thấm vào máu của chị và đến dịp Đờn ca tài tử Nam Bộ là chị lại tạo thêm dấu ấn mới cho khán giả mộ điệu.
NS Hà Mỹ Liên tâm sự, thế mạnh của chị là diễn xuất, thế nhưng nghe chị ca thì mới thấy được chị không chỉ giỏi diễn mà ca cũng thuộc hàng điêu luyện. Trước đây, giọng ca Hà Mỹ Liên khỏe lắm. Chị có giọng rất cao, và ca rất mùi. Bộ nhịp của chị vốn rất chắc. Chị đặc biệt ca hay các bài bản lẻ, nhất là bài Phú Lục. Nói về bản vọng cổ, Hà Mỹ Liên ca không sắp chữ theo khuôn, mà có lối ca rải đều chữ, người nghe không biết là chị đã đi tới đâu, đôi khi sợ chị rớt nhịp, thế mà chị về cuối câu vọng cổ hồi nào mà người nghe cũng không hay, khi chợt nhận ra chị về cuối câu thì nhịp nhàng lại đâu vào đó, cứ đúng song lang như đã đặt sẵn vậy.
Nói về diễn xuất, Hà Mỹ Liên diễn theo lối tự nhiên, không màu mè kiểu vẻ, có sao diễn vậy. Bởi thế, chị đi vào nhân vật rất tự nhiên. Chị từng nổi danh với vai Thần Nữ trong vỡ tuồng Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, đến mức mà đoàn Trăng Mùa Thu đăng bảng quảng cáo trước rạp Hưng Đạo ở Sài Gòn là “Thần Nữ Hà Mỹ Liên” bên cạnh “Kiều Nữ Bích Sơn”.
NS Hà Mỹ Liên là một nghệ sĩ rất nghiêm túc và yêu nghề. Khi có dịp trò chuyện với chị trong chuyến đến Pháp tháng 10 – 2013, tôi nhận ra ở chị niềm đam mê mãnh liệt. Chị là người nghệ sĩ có tấm lòng tha thiết đối với cải lương vì lúc nào chị cũng yêu nghề và không bao giờ phụ nghề.
Sources: vntimes |